Nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhấn mạnh: Kịch bản là yếu tố quan trọng nhất trong mỗi vở diễn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, bên cạnh những kịch bản thành công, vẫn tồn tại không ít tác phẩm lặp lại mô típ cũ một cách nhàm chán. Nhiều kịch bản chỉ kể chuyện mà thiếu chiều sâu nhân vật, giống như một bài báo phóng sự hơn là một vở kịch. Tại các liên hoan, cuộc thi, không ít đơn vị chọn dựng lại những kịch bản cũ, đã từng được trình diễn nhiều lần...
Theo ông Lê Quý Hiền, nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu gắn kết giữa người viết với đời sống thực tế. Các tác giả lớn tuổi, sức sáng tạo giảm sút, trong khi đội ngũ tác giả trẻ lại thiếu vắng, dẫn đến sân khấu Việt không đủ kịch bản đề tài hiện đại phản ánh đời sống đương thời. Thêm vào đó, một số đơn vị sân khấu hiện nay có xu hướng “khoán trắng” cho đạo diễn, dẫn đến tình trạng ê kíp sáng tạo không hiểu nhau, dàn dựng vở diễn không đúng ý đồ ban đầu.
Đạo diễn Đường Minh Giang chỉ ra rằng, tác giả là yếu tố quyết định trong sáng tác kịch bản. Tuy nhiên, tác giả lớn tuổi gặp khó khăn khi cập nhật phương pháp biểu diễn sân khấu hiện đại, trong khi các tác giả trẻ lại chưa hiểu sâu về lịch sử và văn hóa truyền thống. Tác giả Trương Thị Huyền cũng cho biết, phần lớn biên kịch sân khấu hiện nay làm việc tự do, khiến họ khó có thể tiếp cận thực tế sáng tác, mà chủ yếu viết từ các câu chuyện trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông, dẫn đến việc thiếu tính thực tế và đôi khi sai lệch.
Vở diễn “Trương Chi Mỵ Nương” của Nhà hát Kịch Hà Nội
Nhìn vào kịch mục của nhiều sân khấu hiện nay, dễ nhận thấy các vở diễn nổi tiếng chủ yếu vẫn khai thác đề tài dân gian, lịch sử, chiến tranh, hoặc chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Một số tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ như Bệnh sĩ, Ông không phải là bố tôi, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9... vẫn được dàn dựng lại sau nhiều thập kỷ, trong khi những tác phẩm hiện đại phản ánh thời đại công nghệ, đời sống đương đại lại rất hiếm hoi.
Chia sẻ với Văn Hóa, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, nhận định rằng: Sân khấu Việt Nam trong những năm qua còn lạc hậu, chưa bắt kịp nhịp độ phát triển nhanh chóng của kinh tế, văn hóa, xã hội, cứ mãi quẩn quanh với những đề tài về quá khứ lịch sử hay những mâu thuẫn đời thường. Ông cho rằng, nếu sân khấu không đổi mới từ tác giả đến đạo diễn và diễn viên, nó sẽ trở nên lạc lõng, không còn sức hút, không thể đáp ứng vai trò phản biện, giáo dục công chúng trong xã hội hiện đại.
Tìm kiếm kịch bản tốt luôn là thách thức lớn đối với các nhà hát. Như một đạo diễn từng chia sẻ: “Không có bột tốt, đạo diễn tài giỏi đến đâu cũng khó gột được nên hồ”. Hiện nay, sân khấu đang thiếu trầm trọng đội ngũ tác giả trẻ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Các cây bút hiện tại thường gặp khó khăn trong việc sáng tạo và vơi cạn khát vọng, khiến nhiều vở diễn dù bắt đầu với ý tưởng mạnh mẽ nhưng sau đó lại thiếu chiều sâu, không thể khai thác vấn đề đến cùng, dẫn đến những câu thoại kém sắc bén. Các tác phẩm hiện tại không thể chạm đến cảm xúc khán giả, khiến họ không còn muốn đến với sân khấu vì cảm thấy nó đã tụt lại quá xa so với cuộc sống.
Một số giải pháp đã được các đại biểu dự Tọa đàm đề xuất để cải thiện tình hình, như: Các đơn vị sân khấu cần xây dựng kịch mục đa dạng để phục vụ nhu cầu của công chúng; tổ chức các chuyến đi thực tế và trại sáng tác để tạo điều kiện cho tác giả tìm hiểu thực tế đời sống, đồng thời đặt hàng sáng tác với các tác giả mới; đặc biệt, việc đổi mới tư duy sáng tạo là rất quan trọng. Đã đến lúc Việt Nam cần tìm kiếm nhân tố mới, đào tạo và cử tác giả đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài để nâng cao chất lượng kịch bản sân khấu.
Hy vọng rằng, với những giải pháp này, sân khấu Việt sẽ tìm thấy con đường đổi mới, bám sát với nhịp sống hiện đại và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của xã hội.
(Theo: baovanhoa.vn)